Hệ sinh thái Edmod Vietnam:
Tư vấn hướng nghiệp
Đào tạo
Tuyển dụng

Trường học hạnh phúc là một hành trình

Những năm gần đây, khái niệm “Trường học hạnh phúc” đã và đang dần trở nên quen thuộc, phổ biến với các nhà trường. Với thầy Đào Chí Mạnh (Hiệu trưởng trường tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) - người vừa khởi xướng, vừa tham gia thúc đẩy xây dựng trường học hạnh phúc tại những nơi nhận công tác, đồng thời đang truyền cảm hứng những đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước - thì trường học hạnh phúc là một hành trình chứ không phải đích đến. 

Bài viết sau được tóm tắt từ bài phỏng vấn thầy Đào Chí Mạnh, đăng trên báo VOV.

Người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Gusi Hòa Bình

Suốt gần 8 năm vừa rồi, tôi cùng với các thầy cô, các em học sinh ở những ngôi trường mà tôi đã công tác thực hành trường học hạnh phúc và thấy rằng điều này giúp cho chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu của giáo dục. Đó không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phát triển năng lực, kiến tạo văn hóa và bồi dưỡng tâm hồn cho các em học sinh thân yêu.

Trước đây tôi là tín đồ của nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức. Việc dạy học theo hướng tập trung luyện kiến thức cho học sinh cũng là một con đường giúp cho các học sinh tôi luyện ý chí. Tuy nhiên, qua nhiều năm dạy học và sau này làm quản lý, tôi nhận ra rằng điều đó chỉ giúp ích cho một số em học sinh có năng khiếu. Rất nhiều học sinh khác cũng cần có cơ hội để phát triển. Khi làm hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc, tôi cùng các thầy cô trao đổi bàn bạc và định hướng đi cho ngôi trường của mình với rất nhiều hoạt động để học sinh rèn luyện năng lực, phẩm chất. Thông qua việc đó, chính tôi và các thầy cô cũng giảm bớt đi những áp lực từ việc dạy học.

Năm 2019, Covid-19 ập đến, tôi tăng cường luyện tập tâng bóng, hưởng ứng lời kêu gọi từ thiện giúp đỡ 2 học sinh mồ côi cha mẹ do tai nạn giao thông. Bất ngờ, thầy lập kỷ lục Việt Nam khi tâng bóng được quãng đường 8,5 km trong hơn 2 giờ. Khi mình có ý chí nghị lực cùng suy nghĩ vì người khác thì kết quả sẽ ngoài mong đợi.

Điều này đã tạo cảm hứng để tôi cùng các thầy cô trường Hội Hợp B tổ chức nhiều phong trào như “Mùa xuân yêu thương”, “Kỷ lục và những điều hơn thế” để khích lệ lệ học sinh, thầy cô cùng rèn luyện thể thao và quyên góp được 24 triệu cho 4 bạn học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, giúp các em học sinh khó khăn có một cái Tết ấm áp hơn.

Tôi quan niệm, không có môn chính môn phụ. Hồi làm hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc, tôi cùng các thầy cô giáo tổ chức giải chạy Happy Day với mong muốn kết nối giữa các thành viên trong gia đình giữa cuộc sống bận rộn. Khoảng 300 cặp phụ khuynh và học sinh, giáo viên đã tham gia. Nhận được những kết quả tích cực, sau đó giải chạy được phát huy và năm ngoái được tổ chức tại sân Ủy ban phường, trở thành ngày hội thực sự. Thể thao đã mang lại hiệu quả nhìn thấy được với mỗi người. Minh chứng ở việc thầy cô tới trường vui vẻ hơn, giấc ngủ của mình tốt hơn, bớt đi những căng thẳng và cá nhân tôi thấy năng suất lao động sư phạm của thầy cô tốt hơn.

Hành trình xây dựng "Trường học hạnh phúc"

Tôi cho rằng “Trường học hạnh phúc” là một khái niệm khá mới đối với giáo dục Việt Nam nói riêng và thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới. Hành trình mới bao giờ cũng có những khó khăn, có những gian nan thậm chí đơn độc. Tuy nhiên, tôi tin hướng đi đó sẽ kết nối với đổi mới giáo dục và đã vững tin hơn khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời vì những nội dung xây dựng trường học hạnh phúc có những điểm tương đồng với mục tiêu giáo dục mà chương trình phổ thông 2018 đưa ra.

https://edmod.vn/media/home/1.png

Như ngày xưa, nhiều thầy cô vẫn còn giữ phương pháp dạy học truyền thống, thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe. Tôi thấy, thầy cô bây giờ giữ vai trò hướng dẫn, người truyền cảm hứng cho các con có thói quen học tập tốt, có năng lực tự học, tự nghiên cứu tài liệu, có thể học tập chính bạn bè của mình bằng cách trao đổi qua lại phản biện lẫn nhau. Một ngày làm việc như thế cũng nhàn hơn rất nhiều so với thầy cô như một cái máy nói từ sáng đến tối.

Giáo viên hạnh phúc thì trường học mới hạnh phúc. Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới được hạnh phúc. Cho nên vấn đề quan trọng nhất là thay đổi từ bên trong.

Tôi ý thức được rằng mình cần phải luôn giữ năng lượng tích cực, có những phương pháp như tập luyện thể thao, đồng tâm chia sẻ khó khăn với các đồng nghiệp, giao việc đồng thời hướng dẫn chứ không chỉ trách mắng... Nếu như thầy cô thực sự có mong muốn thay đổi, tôi tin rằng thầy cô sẽ tìm ra phương thức để thay đổi. Nếu như thầy cô thực sự có niềm tin thì tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người hỗ trợ thầy cô từ chính ngay đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh của mình.

Chúng ta nên linh hoạt những tiêu chí để phù hợp với ngôi trường của mình, không nên bê nguyên mẫu nào đấy để áp dụng. Một vấn đề nữa mà tôi muốn nói là không nên áp lực từ chính những kỳ vọng của mình. Hạnh phúc là một hành trình và chúng ta hãy đi từ những bước nhỏ nhất. Chúng ta có thể làm từ những thứ nhỏ nhất như chăm sóc cho một lớp học sáng hơn, một khu vệ sinh sạch hơn, thậm chí học sinh chăm luyện thể thao hơn, chăm đọc sách hơn...

Tôi muốn truyền tải với các bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường về chuyện lựa chọn ngành nghề về sau. Trong một nghiên cứu khoa học, người ta vẽ ra vòng tròn để con người được hạnh phúc gồm 4 yếu tố mà càng có điểm giao nhiều thì càng có cơ hội được hạnh phúc. Từ đó để nhận ra rằng một người giáo viên sẽ có rất nhiều cơ hội được hạnh phúc. Giáo viên sẽ luôn luôn học tập để đi dạy. Đó là phát triển bản thân. Giáo viên cũng được coi như nghề để ta có thể kiếm sống. Thứ ba, còn tuyệt vời gì hơn khi trong gia đình có một người thầy, người cô để đảm nhiệm việc dạy con cái. Và cuối cùng, nghề giáo có cơ hội để cống hiến, tạo nên những con người nhân cách tốt cho tương lai" - Thầy Đào Chí Mạnh

Cũng là một công việc nhưng có hai cách tiếp cận: đạt mục tiêu với áp lực, với nỗi buồn hoặc đạt mục tiêu với niềm vui, với sự cảm nhận giá trị. Tôi đồng ý là có nhiều khó khăn bủa vây. Nhưng chúng ta không chờ điều kiện hoàn hảo thì mới làm mà chúng ta làm để hướng tới sự hoàn hảo. Chúng ta cứ làm những điều bé mà chúng ta có thể làm. Không có sân thể thao lớn thì ta làm ở không gian vài chục mét vuông đi, cứ làm những điều dù bé nhưng đem lại giá trị cho các em học sinh và chính thầy cô.

Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là hạnh phúc. Một học sinh giỏi là cơ hội để thành công và một học sinh thành công có cơ hội để hạnh phúc. Nhưng nhìn xung quanh, chúng ta thấy có những học sinh giỏi nhưng chưa chắc đã thành công, chưa chắc đã hạnh phúc, có những học sinh thành công nhưng cũng chưa chắc có hạnh phúc, chúng ta nên nghĩ lại về mục tiêu của cuộc sống. Chúng ta không nhìn xa xôi mà nhìn ở nhà trường thôi. Tuổi thơ các con là những năm tháng các con tới trường, chúng ta, những thầy cô giáo hãy nuôi dưỡng các con không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là những người giàu về tâm hồn, về nhân ái, bao dung, vị tha.

Tôi cần cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là các thầy cô giáo, các em học sinh, phụ huynh, các cấp lãnh đạo đã ủng hộ làm cho tôi cảm thấy vững tin hơn. Tôi khẳng định một điều rằng không ai làm trường học hạnh phúc một mình được. Đó là hành trình của cả tập thể.

- Thầy Đào Chí Mạnh sinh năm 1980, thạc sỹ chuyên ngành Quản Lý Giáo dục, hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên.

- Thầy được nhận khen tặng đột xuất của Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Phúc do có thành tích sáng tạo đặc biệt trong dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh khi trường học đóng cửa những ngày đầu Covid-19.

- Thầy đã 02 lần nhận kỷ lục Việt Nam về khống chế bóng bằng chân, vai đầu vào các năm 2020, 2023.

- Thầy Mạnh là ứng viên Việt Nam duy nhất trong 20 cá nhân toàn cầu được trao giải thưởng Gusi Hòa Bình tại Philippines năm 2023.

Đọc thêm bài viết gốc TẠI ĐÂY