Sinh viên mới ra trường cần thành thạo 10 kỹ năng này
Sau khi tốt nghiệp đại học, sự thay đổi từ môi trường học tập sang môi trường làm việc sẽ mang lại cho bạn nhiều điều thú vị nhưng cũng có thể sẽ có khó khăn khi thích ứng. Để hòa nhập và thành công trong môi trường công việc, “lính mới” cần trang bị 10 kỹ năng cần thiết sau.
Tóm tắt
1. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả được xem là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng. Các bạn sinh viên hãy tranh thủ rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng việc tham gia các hoạt động sự kiện, câu lạc bộ… trong trường để có thêm nhiều trải nghiệm trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác, thêm tự tin trong giao tiếp.
2. Kỹ năng lắng nghe
Đây cũng là một kỹ năng cần có đối với sinh viên mới ra trường. Hãy lắng nghe một cách tích cực, chủ động trong một cuộc trao đổi, tương tác, giao tiếp… để ghi nhớ thông tin, đưa ra phản hồi sâu, kỹ lưỡng.
Sinh viên mới ra trường thường ít kinh nghiệm, trong quá trình làm việc sẽ nhận được nhiều góp ý từ “tiền bối” để công việc có thể được thực hiện tốt hơn. Lúc này là lúc cần lắng nghe tích cực, đừng căng thẳng, nản lòng hay tự ái khi được nghe những lời nhận xét về những thiếu sót của mình. Các góp ý này là để giúp bạn tốt lên. Hãy lắng nghe trọn vẹn lời người khác nói và bình tĩnh đưa ra phản hồi. Bạn sẽ thấy nhiều giá trị khi thật sự chú tâm, lắng nghe chủ động và tích cực đó.
3. Kỹ năng làm việc nhóm
Trong môi trường làm việc hiện đại, hợp tác nhóm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ sinh viên mới ra trường mà bất kỳ nhân sự nào cũng sẽ phải thường xuyên phối hợp công việc trong phòng ban hoặc bộ phận khác. Vì thế kỹ năng làm việc nhóm là một trong những kỹ năng bạn cần thành thạo để có sự hợp tác trơn tru, thuận lợi với người khác.
Mỗi người trong nhóm làm việc có thể sẽ mang nhiều tính cách khác nhau, do đó, bạn cần biết cách phối hợp hiệu quả, tôn trọng ý kiến đồng đội, chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau cũng như biết cách quyết mâu thuẫn và đưa ra quyết định chung một cách sáng suốt.
4. Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian là kỹ năng then chốt giúp phân biệt một người chăm chỉ và một người năng suất cao. Nếu không biết cách sắp xếp các công việc ưu tiên phân bổ thời gian cho từng hạng mục và thực sự tập trung, bạn sẽ rơi vào tình trạng thái “hết giờ không hết việc”. Hãy lập kế hoạch chi tiết, đặt thứ tự ưu tiên cho các công việc quan trọng và sử dụng công cụ hỗ trợ quản lý thời gian hiệu quả, tránh trì hoãn, xao nhãng mà cần tập trung 100% cho từng việc một.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Công việc không phải lúc nào cũng được tiến hành trình tự theo kế hoạch, mà đôi lúc sẽ có phát sinh việc gấp cần giải quyết, không thể lường trước. Do đó các bạn cần có khả năng nhận diện, xử lý vấn đề nhanh chóng và hiệu quả. Các kỹ năng bổ trợ cần có là khả năng phân tích tình huống, xác định vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp. Và đặc biệt, hãy bình tĩnh và tự tin khi đối mặt với thử thách. Nếu sự việc vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý của bạn, hãy báo cáo ngay cho cấp trên trực tiếp.
6. Kỹ năng chịu áp lực
Áp lực công việc là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai, đặc biệt với sinh viên mới ra trường như: thời gian, những phát sinh, trục trặc trong công việc, trao đổi/tương tác với khách hàng... Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với công việc của mình.
Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên cần nỗ lực rèn luyện khả năng làm việc dưới áp lực công việc. Bên cạnh nhiệm vụ học ở trường, bạn có thể đăng ký đi làm thêm hoặc thực hiện các dự án cá nhân, tham gia các câu lạc bộ.
7. Kỹ năng tư duy phản biện
Kỹ năng tư duy phản biện là quá trình phân tích, đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.
Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, tư duy phản biện giúp bạn có thể tự do bày tỏ qua điểm cá nhân, học hỏi nghiêm túc, hiệu quả. Ngược lại, nếu không có tư duy phản biện, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc phản biện quan điểm của người khác, thậm chí biến những lập luận trở thành ngụy biện.
Bạn có thể rèn luyện tư duy phản biện thông qua việc đọc sách, tham gia các thảo luận, tranh luận và không ngừng đặt câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề bạn quan tâm.
8. Kỹ năng học hỏi
Thị trường lao động luôn thay đổi và phát triển không ngừng, do đó bạn cần rèn luyện khả năng học hỏi liên tục để cập nhật kiến thức mới và nâng cao kỹ năng. Bất cứ ai cũng có thể là “người thầy” dạy bạn kiến thức, kỹ năng nào đó. Thậm chí, một trải nghiệm thất bại cũng là người thầy dạy bạn tiến gần hơn với con đường thành công. Vì thế, hãy giữ thái độ cầu tiến, cầu thị và trau dồi kiến thức chuyên môn của bản thân.
9. Kỹ năng thích nghi
Môi trường làm việc luôn có những thay đổi nhất định, do đó bạn cần rèn luyện khả năng thích nghi nhanh chóng để tồn tại và phát triển ở bất kỳ môi trường văn hóa làm việc nào. Nếu bạn không có khả năng thích ứng thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Hãy luôn giữ thái độ tích cực, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới và học hỏi từ những sai lầm, tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân và nâng cao năng lực. Kỹ năng thích nghi của ứng viên cũng là kỹ năng được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm tìm kiếm trong bối cảnh hiện tại.
10. Kỹ năng tin học văn phòng
Tin học văn phòng vẫn nằm trong số các kỹ năng quan trọng nhất mà sinh viên mới ra trường cần thành thạo để bắt nhịp ngay với công việc. Bạn cần nắm vững các kiến thức cơ bản về tin học văn phòng và sử dụng thành thạo các phần mềm phổ biến như Microsoft Word, Excel, PowerPoint.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, việc học tập và rèn luyện và thành thạo kỹ năng tin học văn phòng, các công cụ công nghệ có thể nâng cao năng suất công việc của bạn… trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Do đó, bạn đừng để kỹ năng này là một vật cản trên con đường nghề nghiệp của mình nhé.