Hệ sinh thái Edmod Vietnam:
Tư vấn hướng nghiệp
Đào tạo
Tuyển dụng

Sinh viên cần cẩn trọng với bẫy thu nhập 5 triệu đồng

Theo chia sẻ của GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Ngày hội việc làm 2024 tại Hà Nội ngày 30/3: "Sinh viên nên cẩn trọng bởi với bẫy thu nhập 5 triệu đồng, các em không thể làm lãnh đạo nhóm, không có cơ hội vươn lên cao hơn và mãi chỉ là nhân công bình thường với thu nhập 5-7 triệu đồng".

Bỏ ngang đại học để chạy sô

GS.TS Chử Đức Trình cho biết, thực tế hiện nay nhiều sinh viên đi học nhưng muốn bỏ đi làm. Một thời gian sau, các em lại muốn bỏ làm để quay lại học. Ban đầu các em có thể thấy hấp dẫn bởi sớm kiếm được tiền và có thu nhập nhưng hãy cẩn trọng với bẫy thu nhập 5 triệu đồng bởi nếu bỏ học để đi làm khi chưa tốt nghiệp, các em sẽ không có cơ hội vươn lên cao hơn.

GS Trình cho rằng, lúc đầu các em đi làm có tiền nhưng sau một thời gian, công việc đó không vững chắc, các em không thể đạt mức lương cao hơn, không thể vươn lên làm lãnh đạo nhóm. Các em chỉ có thể chỉ là nhân công bình thường cho đến khi nghỉ hưu với mức lương làng nhàng 5-7 triệu đồng. Trong khi nếu các em đi học rất giỏi, kỹ năng rất giỏi và tốt nghiệp đúng hạn, sau này các em sẽ có cơ hội từng bước thăng tiến.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện nền tảng công nghệ tuyển dụng Joboko cho biết, nhiều sinh viên ở các trường top đầu nhóm ngành công nghệ có hiện tượng không muốn lấy bằng mà đi làm từ rất sớm bởi nhiều doanh nghiệp công nghệ không quan tâm nhiều đến bằng cấp mà đánh giá năng lực làm việc trên thực tế trong một thời điểm.

Theo thống kê trên nền tảng tuyển dụng Joboko, thông thường khối ngành kinh tế, từ năm thứ 2 nhiều em đã tìm cơ hội thực tập, năm thứ 3-4 đã làm việc tại doanh nghiệp. Trong khi đó, sinh viên các trường top dưới có thể năm thứ 3-4 mới bắt đầu tiếp cận công việc tại các doanh nghiệp theo hướng vừa học vừa làm thêm hoặc thực tập.

Bà Đậu Thanh Hòa, Trưởng phòng nhân sự LG R&D Việt Nam chia sẻ quan điểm cá nhân: Các em sinh viên có thể đi làm thêm vào cuối tuần để có thêm thu nhập nhưng không nên bỏ học đi làm hoặc đi làm quá nhiều, các em sẽ không đủ thời gian cho việc học. "Nếu chỉ tập trung làm tốt cho một việc, về lâu dài sẽ tốt hơn cho các em", bà Hòa nói.

Không nên tính toán ngắn hạn

Theo GS Trình, tỷ lệ sinh viên ra trường của Đại học Công nghệ khoảng 90%, như vậy khoảng 10% các em không đủ điều kiện ra trường vì nhiều lý do. Trừ một lượng rất nhỏ các em rất giỏi, bỏ học để tham gia khởi nghiệp, mở công ty nhưng trong đó không ít các em dính vào bẫy thu nhập 5 triệu đồng.

Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, khác với mấy chục năm trước, thị trường lao động trong nước hiện yêu cầu chất lượng cao để hội nhập thế giới. Nếu sinh viên bỏ học đi làm, nhất là khối trường kỹ thuật, các em sẽ bỏ qua những kiến thức kỹ năng cơ bản trong nhà trường, sau này ra trường rất khó thực hiện những công việc mang tính đổi mới sáng tạo.

"Nhiều năm nay trường chúng tôi có thông điệp rất mạnh mẽ với các doanh nghiệp: Nhà trường chỉ cử sinh viên đi thực tập, hoàn toàn không tham gia vào việc làm. Chỉ sau khi ra trường, các em sẽ nhận việc ở doanh nghiệp, như vậy bền vững cho cả hai bên.

Nếu quá khó khăn, các em có thể chia sẻ với gia đình và nhà trường để vượt qua nhưng dành thời gian 6-7 tiếng đồng hồ/ngày để làm thêm quả thực rất bất ổn. Các em không nên lấy khó khăn trước mắt để đầu tư cho việc đi làm thêm, đấy là tính toán mang tính ngắn hạn", GS Trình cho hay.

Sinh viên tìm hiểu về thị trường lao động và việc làm

Cũng với góc nhìn trên, ông Tuấn Anh ủng hộ sinh viên nên tiếp cận môi trường công sở từ sớm để hiểu quy trình chuyên môn, thấy thị trường lao động đang cần gì, thông qua đó có thể điều chỉnh cách học, làm quen sớm với công nghệ mới mà nhà trường chưa đào tạo.

Tuy nhiên khi đang là sinh viên, các em cần có sự tập trung, dành thời gian nhiều hơn cho việc học, thay vì bỏ học nửa chừng để đi làm kiếm tiền - nhất là nhóm sinh viên học lực tốt.

"Doanh nghiệp có thể sử dụng nhóm sinh viên năng lực tốt từ rất sớm trong một số đầu công việc nhưng những em chưa hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, đôi khi sẽ tạo ra những hệ lụy tương lai cho chính con đường phát triển của cá nhân các em và đối với doanh nghiệp, trong đó rất hạn chế khả năng tiến xa của các em sau này.

Vậy nên sinh viên khi đang học, chỉ nên đi làm ở mức làm quen môi trường, làm quen với một số đầu việc để sau khi ra trường mình có thể gặp và thay đổi định hướng học tập.

Học tập luôn là ưu tiên hàng đầu để chúng ta trau dồi những kỹ năng cốt lõi về chuyên môn, sử dụng sau khi ra trường. Nếu sinh viên không học đủ chương trình đào tạo, có thể sau 5 năm, năng lực làm việc sẽ không đáp ứng bằng các sinh viên hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo", ông Tuấn Anh khẳng định. 

Theo Dân trí