Hệ sinh thái Edmod Vietnam:
Tư vấn hướng nghiệp
Đào tạo
Tuyển dụng

Câu chuyện hướng nghiệp: Chọn ngành hay chọn trường trước? 

Chọn ngành hay chọn trường trước? Đây là câu hỏi muôn thuở của học sinh và phụ huynh trước ngưỡng cửa đại học. Đặc biệt, thị trường giáo dục ngày càng đa dạng với vô số phương pháp học tập, nhiều trường học và ngành nghề mới mẻ… khiến việc ra quyết định càng khó khăn hơn.  

Bạn định hướng nghề nghiệp theo “trường phái” nào? Chọn ngành trước hay chọn trường trước? Bởi cả hai yếu tố đều đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập sau này. 

Mỗi lựa chọn đều có ưu - nhược điểm 

Nếu chọn ngành học trước:

Ưu điểm của lựa chọn này là: Giúp bạn xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, theo đuổi đam mê và có nền tảng kiến thức vững chắc cho tương lai; Dễ dàng so sánh và lựa chọn trường phù hợp với định hướng của bản thân; Tạo động lực và hứng thú học tập, giúp bạn dễ dàng tiếp thu kiến thức và đạt được thành công trong lĩnh vực đã chọn.

Nhược điểm của lựa chọn này là: Có thể hạn chế cơ hội lựa chọn trường của bạn trong trường hợp ngành học mong muốn chỉ tập trung ở một số trường nhất định; Khó khăn trong việc đánh giá năng lực và sở thích bản thân một cách chính xác.

Nếu chọn trường đại học trước:

Ưu điểm của lựa chọn này là: Bạn chủ động chọn được môi trường học tập như mong muốn (cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên uy tín, giàu kinh nghiệm; nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ); Được tiếp cận với nhiều ngành học đa dạng, tạo điều kiện cho bạn khám phá bản thân và tìm ra đam mê thực sự. Việc so sánh chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và học phí của các trường sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Nhược điểm của lựa chọn này là: Có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích bản thân vì mỗi trường đại học có thế mạnh và chương trình đào tạo riêng biệt; Nguy cơ học ngành không phù hợp với thị trường lao động, dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Chuyên gia nói gì về chọn ngành, chọn trường?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi "Chọn ngành hay chọn trường trước?" Việc lựa chọn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sở thích, năng lực, mục tiêu nghề nghiệp và điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc chọn nghề trước, sau đó chọn trường đào tạo ngành nghề đã xác định. Vì nếu chọn sai ngành, thí sinh vẫn sẽ gặp khó khăn và dễ nản lòng dù học trường TOP đầu.

Hướng dẫn chọn đúng ngành

1. Thấu hiểu bản thân

Bạn hãy suy ngẫm và đánh giá những gì mình thực sự yêu thích. Sau đó, hãy nghĩ đến giá trị mà mình đang có, gồm: kỹ năng cứng (môn học yêu thích), kỹ năng mềm và tính cách. Đó chính là cơ sở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Nếu chưa biết mình cần và mong muốn điều gì, bạn hãy thử đặt ra thật nhiều câu hỏi về các nội dung trên, tập trung trả lời chúng, viết ra chi tiết suy nghĩ cho những câu hỏi đó và tổng hợp lại. 

Một cách đơn giản, tiện lợi hơn để khám phá về tính cách, khả năng, sở thích của mình là làm các bài test tính cách, bài test hướng nghiệp. Hiện nay, các bài test hướng nghiệp thông dụng thường được xây dựng theo mô hình lý thuyết Holland Codes. 

Bạn có thể trải nghiệm ngay bài test định hướng nghền nghiệp này (phiên mản miễn phí) trên trang của edmod.vn: https://edmod.vn/trac-nghiem-nghe-nghiep-mien-phi/. Phiên bản đầy đủ của công cụ hướng nghiệp Edmod giúp đo lường, đánh giá thiên hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân với độ chính xác hơn 90%. 

2. Xác định nhu cầu nhân lực của ngành

Sau khi xác định bản thân phù hợp với lĩnh vực nào, bạn cũng cần khám phá nhu cầu nhân lực của ngành đó để đánh giá tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm trong tương lai.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, một số ngành nghề có thể bị thay thế hoặc mất đi vị thế tiềm năng. Do vậy, lựa chọn một công việc phù hợp với sở thích, khả năng cũng như xu hướng thị trường sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ thất nghiệp và đảm bảo sự ổn định lâu dài cho sự nghiệp. 

3. Hỏi ý kiến chuyên gia, người trong nghề

Không ai có thể trải nghiệm tất cả các công việc để khám phá bản thân thực sự muốn gì và hợp với nghề cụ thể nào. Do đó, tham vấn ý kiến của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tham khảo ý kiến của người trong nghề là một lựa chọn thông minh và hữu ích.

Những người bạn có thể hỏi để tìm lời khuyên, họ ở đâu?

- Tìm kiếm mentor: Tìm kiếm một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn quan tâm để trở thành mentor. Họ có thể là người thân, bạn bè, anh chị khóa trên hoặc chuyên gia trong ngành.

- Tham gia các buổi hội thảo, chia sẻ: Tham dự các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực bạn quan tâm để học hỏi và tìm kiếm lời khuyên.

- Kết nối trực tuyến: Tham gia các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội hoặc website chuyên ngành để kết nối với những người có cùng đam mê và trao đổi kinh nghiệm.

Lợi ích của việc tham khảo ý kiến chuyên gia, người trong nghề khi định hướng nghề nghiệp

- Tiết kiệm thời gian và công sức: Thay vì tự mình, bạn có thể học hỏi từ kinh nghiệm của họ, rút ngắn thời gian tìm hiểu và tránh đi những sai lầm không đáng có.

- Có được cái nhìn thực tế về ngành nghề: Người đi trước sẽ chia sẻ những trải nghiệm thực tế về công việc, bao gồm cả những "mặt tối" mà bạn không thể tìm thấy trong sách vở hay thông tin tuyển sinh.

- Nhận được lời khuyên hữu ích: Họ có thể cung cấp cho bạn những lời khuyên thiết thực về cách thức phát triển bản thân, kỹ năng cần thiết và định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Cách chọn đúng trường

Với sự đa dạng của các phương thức học, trường học và trung tâm đào tạo hiện nay, việc lựa chọn có thể trở nên khó khăn. Dưới đây là 3 bước đơn giản giúp bạn tìm kiếm ngôi trường phù hợp. 

1. Liệt kê danh sách trường đào tạo ngành yêu thích/đã chọn

Sau khi đã xác định được lĩnh vực mình muốn theo đuổi, bước tiếp theo là lập danh sách các trường đại học uy tín có đào tạo ngành đó. Bạn nên tạo danh sách các trường tiềm năng dựa trên những nguồn thông tin uy tín sau:

- Website của trường

- Bảng xếp hạng đại học hoặc bảng xếp hạng của các tổ chức trong nước

- Diễn đàn, blog, hoặc mạng xã hội để tìm kiếm đánh giá của sinh viên

- Hội thảo giáo dục

2. So sánh dựa trên tiêu chí

Việc này giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và phù hợp nhất với bản thân. Một số tiêu chí quan trọng cần cân nhắc:

- Vị trí địa lý: Bạn muốn học tập gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại hay mong muốn trải nghiệm môi trường mới để rèn luyện tính tự lập?

- Điều kiện gia đình: Chi phí học tập là một khoản đầu tư đáng kể, do vậy bạn cần cân nhắc kỹ khả năng tài chính của gia đình để đảm bảo có thể hoàn thành chương trình học.

- Thời gian đào tạo: Mỗi trường có thể có thời gian đào tạo khác nhau cho cùng một ngành học. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin này để lựa chọn phương án phù hợp với mục tiêu và kế hoạch của bạn.

- Chất lượng đào tạo: Đây là yếu tố then chốt quyết định đến kiến thức và kỹ năng bạn thu nhận được sau khi tốt nghiệp. Hãy đánh giá chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy của từng trường.

Môi trường học tập: Môi trường năng động, cởi mở sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng giao tiếp và hòa nhập. Hãy lựa chọn môi trường phù hợp với tính cách và hướng phát triển của bản thân.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc các yếu tố khác như:

- Danh tiếng và uy tín của trường

- Cơ hội học bổng và hỗ trợ tài chính

- Mức độ liên kết với doanh nghiệp và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

3. Liên hệ cán bộ tuyển sinh

Mỗi trường đại học đều có bộ phận chuyên trách tuyển sinh, làm cầu nối quan trọng giữa nhà trường và các bạn học sinh. Liên hệ trực tiếp với bộ phận tuyển sinh giúp bạn nhận được tư vấn chi tiết và chính xác nhất về:

- Tư vấn chọn ngành: Nhận được lời khuyên về ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của bạn.

- Thông tin về học phí và hỗ trợ tài chính: Hiểu rõ các khoản thu, chi liên quan đến việc học tập, cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.

- Ưu đãi học phí: Tìm hiểu về các chương trình ưu đãi học phí dành cho các trường hợp đặc biệt như học sinh giỏi, hộ nghèo.

- Cảm nhận về môi trường học tập: Qua trao đổi với bộ phận tuyển sinh, bạn có thể hình dung rõ hơn về môi trường học tập, văn hóa và cơ sở vật chất của trường.